Tìm hiểu về các tổ chức xếp hạng tín dụng trên thế giới

Các phân tích và đánh giá được cung cấp bởi các tổ chức xếp hạng tín dụng khác nhau cung cấp cho nhà đầu tư thông tin và nhận thức, tạo điều kiện cho

Các tổ chức xếp hạng tín dụng cung cấp thông tin cho cá nhân và tổ chức đầu tư nhằm hỗ trợ họ trong việc xác định khả năng thanh toán của các công ty phát hành đối với nghĩa vụ nợ và chứng khoán thu nhập cố định. Tổ chức xếp hạng tín dụng còn cung cấp những phân tích khách quan và đánh giá độc lập về các công ty và quốc gia phát hành chứng khoán. Sự toàn cầu hóa của thị trường đầu tư cùng với sự đa dạng hóa về các loại hình và số lượng chứng khoán phát hành đặt ra một thách thức đối với các cá nhân và tổ chức đầu tư. Họ phải phân tích những rủi ro liên quan tới đầu tư cả trong và ngoài nước. Thông tin lịch sử và phân tích về ba công ty dưới đây sẽ tạo điều kiện cho bạn hiểu rõ hơn về chức năng và sự phát triển của các tổ chức xếp hạng tín dụng.


FITCH RATINGS

John Knowles Fitch thành lập Nhà Xuất Bản Fitch vào năm 1913. Fitch đã công bố các thống kê tài chính với mục đích sử dụng trong ngành đầu tư thông qua “The Fitch Stock and Bond Manual” và “The Fitch Bond Book.” Vào năm 1924, Fitch giới thiệu hệ thống xếp hạng tín dụng từ AAA đến D làm cơ sở để xếp hạng toàn ngành. Với mục tiêu trở thành tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín dụng toàn cầu, vào cuối những năm 90, Fitch đã sáp nhập với IBCA tại London, một công ty con của Fimalac, S.A. của Pháp. Fitch cũng đã mua lại công ty đối thủ cạnh tranh – Thomson BankWatch và Duff & Phelps Credit Ratings Co. Từ năm 2004, Fitch bắt đầu phát triển các công ty con hoạt động chuyên về quản lý rủi ro doanh nghiệp, dịch vụ dữ liệu và đào tạo liên quan đến lĩnh vực tài chính với việc mua lại công ty của Canada, Algorithmics, và mở ra công ty con Fitch Solutions and Fitch Training.

MOODY’S INVESTORS SERVICE

John Moody and Company xuất bản lần đầu tài liệu hướng dẫn “Moody’s Manual” vào năm 1900. Tài liệu này công bố số liệu thống kê cơ bản và các thông tin chung về cổ phiếu và trái phiếu của các ngành khác nhau. Từ năm 1903 cho đến thời điểm sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1907, “Moody’s Manual” trở thành ấn phẩm quốc gia. Năm 1909, Moody bắt đầu xuất bản “Moody’s Analyses of Railroad Investments” (Các phân tích đầu tư ngành đường sắt của Moody) nhằm bổ sung thêm thông tin phân tích về giá trị của các loại chứng khoán. Việc mở rộng ý tưởng này đã đưa đến sự thành lập vào năm 1914 của công ty Moody’s Investor Service, mà trong 10 năm sau, sẽ cung cấp dịch vụ xếp hạng cho hầu hết các thị trường trái phiếu chính phủ lúc bấy giờ. Vào những năm 70, Moody bắt đầu việc xếp hàng thương phiếu, tiền gửi ngân hàng, và trở thành tổ chức xếp hạng toàn diện như hiện nay.

STANDARD & POOR’S

Henry Varnum Poor công bố lần đầu tiên “History of Railroads and Canals in the United States” (Lịch sử ngành đường sắt và kênh đào tại Hoa Kỳ) vào năm 1860, tiền thân của các phân tích và báo cáo chứng khoán được phát triển trong thế kỷ sau đó. Tổ chức Standard Statistics được thành lập vào năm 1906 và công bố xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp, nợ công và trái phiếu địa phương. Standard Statistics được sáp nhập với Poor’s Publishing vào năm 1941 để thành lập nên Tập đoàn Standard and Poor’s, sau đó được mua lại bởi công ty McGraw-Hill, Inc vào năm 1966. Standard and Poor’s trở nên nổi tiếng với các chỉ số, chẳng hạn như chỉ số thị trường chứng khoán S&P 500. Đó vừa là một công cụ hỗ trợ việc phân tích cũng như đưa ra quyết định đầu tư, vừa là một chỉ số kinh tế của Mỹ.

Các tổ chức đánh giá tín dụng được công nhận tại Mỹ (NRSRO)

Bắt đầu từ năm 1970, ngành xếp hạng tín dụng đã bắt đầu áp dụng một số thay đổi và cải tiến quan trọng. Trước đây, các nhà đầu tư đăng ký nhận ấn phẩm từ các cơ quan và tổ chức xếp hạng không phải trả phí cho việc thực hiện các nghiên cứu và phân tích bởi đó là giai đoạn phát triển thông thường khi các tổ chức công bố xếp hạng tín dụng. Với vai trò một ngành độc lập, các tổ chức xếp hạng tín dụng bắt đầu nhận ra rằng xếp hạng tín dụng khách quan ngày càng có ý nghĩa đối với các công ty phát hành, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường cũng như tiếp cận nguồn vốn thông qua việc tăng giá trị của một tổ chức phát hành chứng khoán trên thị trường đồng thời giảm chi phí vốn. Sự mở rộng và phức tạp của thị trường vốn cùng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ thống kê và phân tích dẫn đến quyết định ảnh hưởng tới toàn ngành. Đó chính là quyết định tính phí với các tổ chức phát hành chứng khoán cho dịch vụ xếp hạng.

Năm 1975, các tổ chức tài chính, như các ngân hàng thương mại và môi giới – đại lý chứng khoán, tìm cách đáp ứng các yêu cầu về vốn và tính thanh khoản được ban hành bởi Ủy ban Chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC). Kết quả là các tổ chức đánh giá tín dụng được công nhận tại Mỹ (NRSRO) ra đời. Các tổ chức tài chính có thể đáp ứng yêu cầu về vốn bằng cách đầu tư vào chứng khoán nhận được đánh giá tốt từ một hay nhiều NRSRO. Sự thỏa thuận này là kết quả của các yêu cầu đăng ký cùng với quy định và giám sát chặt chẽ hơn của SEC đối với ngành xếp hạng tín dụng. Sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ xếp hạng bởi các nhà đầu tư và tổ chức phát hành chứng khoán kết hợp với sự giám sát quản lý ngày càng chặt chẽ đã dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển của ngành xếp hạng tín dụng.

TỔNG QUAN VỀ XẾP HẠNG TÍN DỤNG

Có nhiều nước cũng được xếp hạng tín dụng quốc gia. Việc xếp hạng này nhằm phân tích mức độ tin cậy tín dụng chung của một quốc gia hay chính phủ nước ngoài. Xếp hạng tín dụng quốc gia xem xét đến cả các điều kiện kinh tế chung của một nước bao gồm lượng đầu tư nước ngoài, đầu tư công và tư nhân, sự minh bạch của thị trường vốn và dự trữ ngoại tệ. Xếp hạng quốc gia cũng đánh giá các điều kiện chính trị như sự ổn định chính trị chung và mức độ ổn định kinh tế mà đất nước đó duy trì trong thời gian chuyển đổi chính trị. Các tổ chức đầu tư dựa vào xếp hạng tín dụng quốc gia để định tính và định lượng môi trường đầu tư chung của một quốc gia cụ thể. Xếp hạng quốc gia là điều kiện tiên quyết mà các tổ chức đầu tư sử dụng để xác định xem họ nên tiếp tục xem xét các công ty, ngành và các loại chứng khoán được phát hành tại một quốc gia cụ thể.

Các công ty cá nhân được cho phép xếp hạng tín dụng, xếp hạng nợ hay xếp hạng trái phiếu, với mỗi loại chứng khoán cá nhân nhất định như cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu doanh nghiệp và các trái phiếu chính phủ khác. Việc xếp hạng có thể được chỉ định riêng cho nghĩa vụ ngắn hạn và dài hạn. Xếp hạng dài hạn phân tích và đánh giá khả năng của một công ty trong việc hoàn thành trách nhiệm đối với tất cả các chứng khoán được phát hành. Xếp hạng ngắn hạn tập trung vào khả năng đem lại lợi nhuận của các loại chứng khoán cụ thể dựa trên điều kiện tài chính hiện tại của công ty và điều kiện hoạt động của ngành nói chung.

KẾT LUẬN

Các nhà đầu tư có thể sử dụng thông tin từ một hay nhiều tổ chức xếp hạng. Họ mong muốn nhận được thông tin khách quan dựa trên phương pháp phân tích hiệu quả và các phép đo thống kê chính xác được cung cấp bởi các cơ quan xếp hạng tín dụng. Nhà đầu tư cũng mong muốn các tổ chức phát hành chứng khoán phải tuân thủ các quy tắc và quy định của cơ quan quản lý, cũng như các cơ quan xếp hạng tín dụng cần tuân thủ quy trình báo cáo được xây dựng bởi các cơ quan quản lý ngành chứng khoán. Tìm hiểu về lịch sử và sự phát triển của các tổ chức xếp hạng giúp cho nhà đầu tư có được cái nhìn sâu sắc về phương pháp áp dụng cũng như chất lượng xếp hạng từ mỗi tổ chức. Các phân tích và đánh giá được cung cấp bởi các tổ chức xếp hạng tín dụng khác nhau cung cấp cho nhà đầu tư thông tin và nhận thức, tạo điều kiện cho họ kiểm tra và hiểu rõ những rủi ro và cơ hội trong mỗi môi trường đầu tư khác nhau. Với hiểu biết đó, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đối với các nước, các ngành và các loại chứng khoán mà họ lựa chọn để đầu tư.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *